
Một số thuật ngữ quảng cáo trên truyền hình
Dưới đây là một số thuật ngữ mà người làm quảng cáo truyền hình nên chú ý.
• Thời lượng: Mỗi phim quảng cáo có độ dài nhất định, thường các Đài Truyền Hình phân theo thời lượng 5 giây, 10 giây, 15 giây, 20 giây, và 30 giây. Trong đó phim quảng cáo có thời lượng 30 giây và 15 giây được dùng phổ biến vì các Doanh nghiệp ban đầu thường phát phim đầy đủ 30 giây nhằm cho người xem có nhiều thông tin hơn, sau đó phát phim 15 giây có nội dung tương tự để tiết kiệm chi phí.
• Spot: Khi TVC được phát trên truyền hình mỗi lần phát sóng được gọi là 01 spot quảng cáo.
• Cut: Gồm nhiều Spot quảng cáo phát cùng tại một vị trí. Mỗi chương trình hoặc phim truyền hình có thể được chia thành nhiều Cut quảng cáo. Thông thường tại VTV, mỗi gameshow hoặc phim truyện được phân ra từ 3 đến 5 Cut quảng cáo, đối với chương trình nhỏ thì phân ra làm 2 Cut quảng cáo (Cut chẵn cho nhà tài trợ, cut lẻ cho nhà sản xuất booking quảng cáo). Mỗi Cut quảng cáo trên VTV có độ dài khoảng 5 phút, tuy nhiên cũng có những trường đặc biệt.
• Booking: là thuật ngữ chỉ việc thực hiện đặt chỗ quảng cáo trên truyền hình.
• Khán giả mục tiêu: Khán giả xem truyền hình trùng với đối tượng mục tiêu của sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp.
• Khung phát sóng (Media Landscape): lịch phát sóng tổng quan chương trình hàng ngày trong vòng 1 tuần.
Các chỉ số của quảng cáo truyền hình:
• Rating (Rtg): Tỉ lệ người xem chương trình hoặc kênh phát sóng trong một khoảng thời gian cụ thể. Có 2 loại Rating: Rtg% và Rtg (000). Rtg% là tỉ lệ phần trăm người xem truyền hình. Rtg (000) là số lượng người xem (nghìn người). Rtg là một chỉ số quan trọng khi lên kế hoạch quảng cáo.
• Reach (Rch): Số lượng người xem chương trình hoặc Tivi trong ít nhất 1 lần – không đếm trùng trong khoảng thời gian phân tích.
• Share (Shr%): Tỉ lệ phần trăm người xem chương trình hoặc kênh phát sóng so với tổng thể
• OTS (Opportunity to see hay Frequency): Khi đăng ký một spot trên TV hay trên một trang quảng cáo trên báo, chúng ta tạo cơ hội cho đối tượng quảng cáo xem quảng cáo đó. Cơ hội thấy có nghĩa là không đảm bảo đối tượng quảng cáo đó có xem được quảng cáo của mình hay không. Khác nhau giữa OTS và Rch là: OTS cho biết độ sâu trung bình mỗi người nhìn thấy quảng cáo của một chiến dịch; Rch cho biết độ rộng hay độ phủ, số người nhìn thấy quảng cáo của một chiến dịch ít nhất 1 lần.
• GRP (Gross Rating Point): Tổng số lượt người có cơ hội xem thấy quảng cáo. Rating có tính trùng.
• CPM (Cost Per Thousand): Chi phí quảng cáo trung bình chi ra để có 1000 người xem quảng cáo.
• CPRP (Cost Per Rating Point): Chi phí để mua 1% rating người xem
• Khi nào sử dụng CPRP/CPM:
– Cost per rating point (CPRP)
• So sánh cùng 1 nhóm khán giả mục tiêu trên cùng 1 thị trường (có target base / universe giống nhau)
– Cost per thousand (CPM)
• So sánh các nhóm khán giả mục tiêu khác nhau (có target base khác nhau)
• So sánh các thị trường khác nhau (Có universe khác nhau)
• Dành cho các kênh có vùng phủ sóng ở nhiều thị trường khác nhau (ví dụ các kênh VTV và HTV, Hanoi TV, v.v.)